Tin tức - Sự kiện
SolarBK lựa chọn chủ động trong Cách mạng công nghiệp 4.0
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang có sức lan tỏa sâu và rộng hơn bao giờ hết. Do đó, việc tự chủ về mặt công nghệ sẽ trở thành nền tảng cốt lõi duy trì sự sinh trưởng dài hạn cho bất kỳ doanh nghiệp nào. Nhận thức rõ điều này, Công ty Mặt trời Bách Khoa (SolarBK) đã chọn cách phát triển từ năng lực cốt lõi, từng bước chủ động từ mô hình sản xuất solarcell, tấm pin năng lượng mặt trời theo cách tự động hóa 100% cho đến tích hợp “Internet vạn vật” (IoTs) và Dữ liệu lớn (Bigdata) vào công nghệ giám sát SSOCTM một cách hoàn toàn “Việt Nam”, do chính đội ngũ kỹ sư người Việt nghiên cứu xây dựng.
CMCN 4.0 ĐANG HIỆN HỮU
Với cơ cấu dân số trẻ, Việt Nam hiện có khoảng 55% dân số đang sử dụng thiết bị thông minh như điện thoại di động thông minh (smartphone) được kết nối internet. Đây chính là cơ sở ban đầu để IoTs trở thành phương thức bản lề đem đến trải nghiệm cuộc sống mới cho mọi người, từ việc điều khiển các thiết bị thông minh trong nhà thông qua các phần mềm ứng dụng.
Những thay đổi lớn trong thói quen sống của người dùng đem đến một thị trường cạnh tranh ngày càng minh bạch hơn. Quy chiếu vào hệ dữ liệu thu thập được từ thói quen, hành vi, sở thích, doanh nghiệp có thể dựa vào đó đưa ra những chuẩn mực mới về sản phẩm và dịch vụ đáp ứng tốt hơn nhu cầu người dùng. Và dù muốn hay không, Bigdata hay IoTs cũng đang định hình lại cách thức kinh doanh trong mọi ngành nghề tại Việt Nam hiện nay, buộc chúng ta phải thừa nhận rằng CMCN 4.0 đang thực sự hiện hữu và là mối đe dọa cho bất kỳ doanh nghiệp nào chưa sẵn sàng cho hành trình “số hóa”.
LỰA CHỌN “BỊ ĐỘNG” HAY “CHỦ ĐÔNG”
Đại diện cho những doanh nghiệp lựa chọn giải pháp “chủ động” trong cuộc CMCN 4.0, ông Trần Văn Tiên, Trưởng bộ phận phát triển IoT của SolarBK, một trong những công ty đưa IoTs vào ngành năng lượng sạch Việt Nam với hệ thống giám sát tự động SSOCTM cho biết: “Ngành điện mặt trời vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Dù trên thế giới đã thừa nhận giải pháp điện mặt trời hòa lưới đem đến những hiệu quả hiển nhiên về mặt chi phí lẫn môi trường, song nó vẫn không thực sự thuyết phục được đại đa số người Việt. Đây cũng là một trong những lý do mà chúng tôi quyết tâm phát triển hệ thống SSOCTM nhằm đưa ra những thống kê rõ ràng, cụ thể từng ngày, từng giờ về hiệu quả sử dụng được tạo ra từ chính hệ thống năng lượng sạch, từ đó đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả thực sự”.
SSOCTM là phần mềm giám sát tự động theo dõi hiệu quả tạo ra mỗi ngày từ hệ thống năng lượng sạch, tích hợp gọn trong app Go Solar do SolarBK phát triển cách đây 2 năm. Khi khái niệm nhà thông minh (smart house) ngày càng trở nên gần gũi hơn trong cuộc sống hiện đại, SSOCTM trên tinh thần đó cũng đóng vai trò giúp khách hàng trải nghiệm không gian sống tiện lợi và chất lượng hơn với IoTs. Ví dụ đơn giản với giải pháp máy nước nóng năng lượng mặt trời mà SolarBK cung cấp, người dùng có thể tùy ý tinh chỉnh nhiệt độ nước cho sinh hoạt như tắm rửa, ăn uống vào một thời điểm cụ thể trong ngày từ xa trên chiếc smartphone của mình thông qua SSOCTM, thay vì trước đây phải làm tất cả điều đó một cách thủ công.”
TÙY BIẾN THEO NHU CẦU
Nhiều công ty trong ngành thường lựa chọn giải pháp nhập khẩu công nghệ giám sát tương tự từ nước ngoài.Tất nhiên, mỗi doanh nghiệp có một chiến lược riêng cho sự phát triển. Có thể khi công ty chưa đủ mạnh hoặc dồn lực đầu tư vào lĩnh vực khác, giải pháp “đứng trên vai người khổng lồ” được cho là lựa chọn thông minh. Tuy nhiên, bất kỳ sự phụ thuộc nào cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định, bởi lẽ các phần mềm hệ thống bán theo hình thức này được thiết kế theo tiêu chuẩn chung, đóng gói và cố định các thành phần mà doanh nghiệp khi mua về không thể can thiệp hay tùy biến theo yêu cầu riêng của mình.
“Trong khi đó, SSOCTM còn mang sứ mạng lớn hơn so với việc theo dõi, giám sát như nhiều người vẫn nghĩ. Điểm mạnh lớn nhất của phần mềm này là khả năng kết nối các số liệu thu thập được từ hệ thống năng lượng sạch đến khách hàng và cả những chuyên gia. Lấy ví dụ, hệ thống điện mặt trời của một khách hàng A tạo ra được 100 kWh trong tháng 2/2017, tuy nhiên cùng thời điểm và điều kiện môi trường này lại tạo ra 150 kWh trong năm trước. Vậy hệ thống đã bị giảm hiệu suất đáng kể, các chuyên gia sẽ có những khuyến cáo và hành động giúp tối ưu lại hệ thống. Với hệ thống SSOCTM, những chuyên gia SolarBK đã tính đến việc xây dựng hệ thống dữ liệu chỉ ra những dấu hiệu nào có thể gây ra lỗi cho hệ thống điện mặt trời và mã hóa dưới dạng chức năng tự động gửi cảnh báo lỗi qua app hoặc tin nhắn để khách hàng biết thông tin. Sự kết nối này đem đến ý nghĩa rất lớn về mặt bảo hành, bảo dưỡng hệ thống, tiết kiệm chi phí dựa trên việc theo dõi và khắc phục nhanh chóng vấn đề, không để đến khi vấn đề đó trở thành lỗi thực sự”, ông Tiên lý giải thêm.
Đây chính là yếu tố “chủ động” của SSOCTM, vì nó thay đổi toàn bộ cách thức vận hành một quy trình bán hàng truyền thống mà nhiều doanh nghiệp
vẫn áp dụng cho đến hiện tại, đó là bảo hành cho khách hàng khi có sự cố thay vì chủ động cảnh báo trước. Đặc biệt, các dữ liệu trên sẽ liên tục được ghi nhận và đánh giá theo thời gian để hình thành nên dữ liệu Bigdata, phục vụ cho việc nghiên cứu và phát triển công nghệ cũng như hành vi người dùng. Như vậy, SSOCTM sẽ còn mở rộng hơn nữa về khuynh hướng trải nghiệm tối ưu cho người dùng với IoTs và Bigdata trong một ngày không xa. Đây chính là giá trị gia tăng về mặt tương lai, theo đúng tiêu chí hoạt động của SolarBK: Tiết kiệm hơn, thông minh hơn và thân thiện môi trường hơn.
Vì lẽ đó, SolarBK đã mất tới 2 năm để nghiên cứu, xây dựng nền tảng công nghệ IoT và Bigdata. Việc xác định R&D làm trọng tâm phát triển kinh doanh đã định hướng các giải pháp năng lượng sạch của SolarBK luôn được tối ưu từ phần cứng sang phần mềm. Đây cũng chính là điểm khác biệt về vai trò cũng như mô hình R&D của công ty so với các doanh nghiệp cùng ngành, vốn chỉ tập trung vào phát triển về phần cứng. Sự tích hợp linh hoạt này là một bước tiến lớn trong tư tưởng hoạt động, lấy khách hàng làm trung tâm để cải tiến thiết bị, từ đó nâng cấp trải nghiệm người dùng tốt hơn mức khách hàng có thể mong đợi ở một giải pháp chất lượng như hiện tại.
“Chúng tôi lựa chọn đi cùng CMCN 4.0 vì SolarBK biết đó là xu thế chung của thế giới. Thay vì tiếp tục dựa vào một đối tác bên ngoài, chúng tôi chọn chủ động ngay từ ban đầu để tạo ra giá trị bền vững cho tương lai. Với SSOCTM cũng vậy, bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) của Công ty đủ mạnh để tùy biến theo yêu cầu sử dụng của khách hàng hoặc tích hợp vào hệ thống của khách hàng như BMS, các hệ thống IoT khác một cách dễ dàng”, ông Tiên cho biết.
Với CMCN 4.0 diễn ra ngày càng mạnh mẽ theo mô hình cấp số nhân như hiện nay, việc tự chủ về mặt công nghệ sẽ trở thành nền tảng cốt lõi duy trì sự sinh trưởng dài hạn cho bất kỳ doanh nghiệp nào. Nhận thức rõ điều này, SolarBK đã chọn cách phát triển từ năng lực cốt lõi, lấy R&D làm trung tâm để từng bước chủ động từ mô hình sản xuất solarcell, tấm pin năng lượng mặt trời theo cách tự động hóa 100% cho đến tích hợp IoTs và Bigdata vào công nghệ giám sát SSOCTM một cách hoàn toàn “Việt Nam”, do chính đội ngũ kỹ sư người Việt nghiên cứu xây dựng. Nói điều này để khẳng định rằng, chỉ cần có khát vọng và tầm nhìn, Việt Nam cũng có thể làm nên cú hích lớn đuổi kịp các nước phát triển trong hành trình CMCN 4.0.