Tin tức - Sự kiện

VỐN, CÔNG NGHỆ HAY CON NGƯỜI – ĐÂU LÀ YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH CHO SỰ PHÁT TRIỂN TRONG NGÀNH NĂNG LƯỢNG SẠCH?

Vào ngày 28-29/11/2017, tại Hội nghị thượng đỉnh The future of Energy – Tương lai của Năng lượng sẽ diễn ra tại Thượng Hải, được tổ chức bởi Bloomberg New Energy Finance (BNEF), Việt Nam chính là 1 trong 4 thị trường được Bloomberg đưa vào phiên thảo luận với chủ đề: Năng lượng Việt Nam – Tăng trưởng và cơ hội.

Điều này có thể thấy, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng trong việc phát triển ngành năng lượng tái tạo. Góp mặt trong một phiên thảo luận của Hội nghị này, ông Nguyễn Dương Tuấn – Tổng giám đốc Công ty Mặt trời Bách Khoa (SolarBK) – công ty mẹ của IREX sẽ tham gia với tư cách diễn giả, đại diện Việt Nam chia sẻ những nhận định chung về thị trường, cùng với hai đại diện doanh nghiệp nước ngoài khác có thị trường tại Việt Nam.

Năng lượng sạch Việt Nam đang được Thế giới quan tâm

Sau Quyết định 11/2017/QĐ-TTg, Thông tư 16/2017/TT-BTC do Bộ Công Thương ban hành hướng dẫn các quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mặt trời cũng đã chính thức có hiệu lực từ ngày 26/10/2017. Việc cởi bỏ “nút thắt” về mặt chính sách khiến cho thị trường điện mặt trời Việt Nam có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Trong đó, nhiều dự án nhà máy điện mặt trời của hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài đã được thông qua quyết định đầu tư tại Việt Nam.

Dự án Năng lượng sạch và chiếu sáng cho toàn bộ Quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1– Một trong những dự án tạo ra tiếng vang trên Thế giới và đưa SolarBK giành được giải Năng lượng toàn cầu năm 2008

Theo Cục Đầu tư Nước ngoài, tính đến tháng 8/2017, tại Việt Nam hiện có 16 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng xanh được đăng ký, với tổng vốn đăng ký 778 triệu USD.

Lợi thế nào cho doanh nghiệp Việt Nam?

Việc các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến thị trường năng lượng sạch được xem là tín hiệu đáng mừng. Song song với việc đầu tư về vốn, Việt Nam còn được chuyển giao và đào tạo những công nghệ kỹ thuật hiện đại, cùng với kinh nghiệm sẵn có của nhà đầu tư để đưa ngành năng lượng sạch phát triển đúng tầm với tiềm năng hiện hữu. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là nếu trông chờ vào công nghệ nước bạn, Việt Nam sẽ lại một lần nữa “chậm chân” hơn so với các nước trên Thế giới, đó là chưa kể đến yếu tố cạnh tranh ngay trên chính “sân nhà”.

Vướng mắc lớn nhất của doanh nghiệp Việt nói chung chính là các yếu tố vốn, công nghệ và nhân lực. Trong những năm qua, doanh nghiệp trong ngành năng lượng sạch đa số phát triển một cách “manh mún” và không được hỗ trợ các yếu tố đi kèm để đi lên một cách bài bản. Đây là câu chuyện “Con gà – quả trứng” vì khi Chính sách chưa có thì các tổ chức tài chính không thấy tiềm năng để hợp tác, vốn yếu thì không thể đầu tư về công nghệ, thị trường chưa nhiều dẫn đến nhân lực ngành chưa được chú trọng phát triển.

Tuy nhiên, câu chuyện trên chỉ là bức tranh chung mà ai cũng có thể nhận xét được. Thực tế, từ trước khi Nhà nước có chính sách hỗ trợ điện mặt trời, Việt Nam đã có thể hoàn toàn làm chủ được sự phát triển của ngành này.

Câu chuyện là: Hãy tự mình đi tìm con đường trước khi chờ người khác dẫn đường

Là một trong những doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực năng lượng sạch, ông Nguyễn Dương Tuấn – Tổng giám đốc Công ty Mặt trời Bách Khoa (SolarBK) kể lại câu chuyện những ngày đầu khởi nghiệp: “Thời điểm đó, thị trường năng lượng sạch còn rất mới, dù gặp nhiều khó khăn nhưng các giải pháp của SolarBK đã dần thuyết phục được nhiều khách hàng khó tính, đặc biệt là khách hàng doanh nghiệp vì chúng tôi chứng minh được sự hiệu quả nhờ nắm vững kỹ thuật. Thế nhưng khi chúng tôi kêu gọi vốn, không ngân hàng nào chấp nhận hợp tác vì “chưa có tiền lệ”, mặc dù họ đánh giá cao về cơ hội và tiềm năng. Chính vì vậy, doanh thu có được bao nhiêu chúng tôi lại tích lũy để tái đầu tư cho R&D, công nghệ và nhà máy. Cứ kiên trì như vậy cho đến năm 2012, chúng tôi quyết định “Go Global” với việc mở công ty con IREX và dần được thị trường Thế giới chấp nhận, tin tưởng vì các sản phẩm, giải pháp đều được định hướng ngay từ ban đầu phải mang tính chuyên nghiệp, quốc tế hóa. Như vậy, sự đầu tư của chúng tôi đã gặt hái được những thành quả mà ngay chính những người trong cuộc đôi khi còn hoài nghi, cũng chỉ vì “chưa có tiền lệ”.”

SSOCTM – Hệ thống giám sát tự động do chính đội ngũ SolarBK nghiên cứu, phát triển

Lời chia sẻ trên cũng chính là câu trả lời của SolarBK cho bài toán phát triển trong ngành: yếu tố quan trọng nhất chính là nhân lực. Nhân lực sẽ tạo ra thị trường, từ đó tạo ra vốn và công nghệ, từ đó quay vòng làm cho thị trường “nở to” hơn.

SolarBK cũng là đơn vị Việt Nam duy nhất xuất khẩu từ sản phẩm đến giải pháp năng lượng sạch ra toàn cầu, đặc biệt là các thị trường khó tính như Châu Âu, Mỹ, nhờ liên tục đầu tư vào nhân lực và R&D. Tham gia vào sự kiện của Bloomberg lần này, ông Nguyễn Dương Tuấn cho biết: “Đây không phải là lần đầu tiên, SolarBK góp mặt trong vai trò diễn giả tại những Hội nghị quốc tế. Nhưng lần tham gia này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Thông qua sự kiện này, SolarBK muốn khẳng định Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động và đuổi kịp các nước trong việc phát triển ngành năng lượng sạch. Đồng thời để cho bạn bè quốc tế thấy rằng, đất nước Việt Nam không chỉ có lúa nước, con người Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với Thế giới trong các ngành công nghiệp sáng tạo.”

Trong báo cáo của PwC nhận định về 5 lĩnh vực phát triển của Việt Nam, ông Kim Seung Rok – Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Ngân hàng Woori Việt Nam cũng cho biết “Việt Nam không phải là Hàn Quốc của 20 năm trước, cũng không phải một Trung Quốc của 10 năm trước. Trong một số lĩnh vực, như công nghệ thông tin, Việt Nam đã dần đuổi kịp tiêu chuẩn toàn cầu”. “Vấn đề là hãy tự tạo cho mình một con đường, thay vì trông chờ người dẫn đường” – Ông Tuấn kết luận

Hội nghị thượng đỉnh Tương lai của Năng lượng, tổ chức bởi tạp chí uy tín của Mỹ Bloomberg Energy Finance là diễn đàn lớn và uy tín có sự tham gia của hơn 500 diễn giả, khách mời hàng đầu Thế giới liên quan đến các thị trường năng lượng, ngành công nghiệp, tài chính và chính sách. Chủ đề này được thực hiện xuyên suốt qua các năm, tập hợp kinh nghiệm và kiến thức về năng lượng trên toàn cầu, do nhóm nghiên cứu tiên phong của Bloomberg Energy Finance thực hiện, khi khảo sát các lực lượng chuyển dịch trong hệ thống năng lượng và xác định ý nghĩa của cộng đồng năng lượng. Trước đó, khi tìm hiểu về thị trường khu vực này, đại diện Bloomberg cũng đã từng đến thăm văn phòng và nhà máy của SolarBK. Đơn vị này đã nhận xét rằng: SolarBK chính là công ty phát triển năng lượng sạch mang “chất” của Việt Nam trong cái “tầm” của Thế giới.

ĐĂNG KÝ NHẬN THƯ