Thông cáo báo chí

Đà Nẵng sắp có đại học “xanh” đầu tiên của miền Trung

Ngày 27/09/2017, tại Trường Đại học Bách Khoa- Đại học Đà Nẵng, số 54 Nguyễn Lương Bằng, Quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng (ĐHBKĐN) sẽ diễn ra Lễ đóng điện chính thức cho hệ thống điện mặt trời, hệ thống này được triển khai bởi Tập đoàn Năng lượng Mặt trời Bách Khoa (SolarBK), với tổng công suất 49,6 kWp. Sự kiện này sẽ đưa Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng trở thành trường đại học “Xanh” đầu tiên ở khu vực miền Trung.

     Trong các mục tiêu phát triển của Thành phố Đà Nẵng, vấn đề hiện đại hóa nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu thân thiện với môi trường luôn được thành phố này đặt trọng tâm lên hàng đầu. Hiện nay, tại Thành phố Đà Nẵng cũng đã có nhiều công trình lắp đặt các dự án điện mặt trời, đảm bảo theo tiêu chí phát triển bền vững, được nhà nước và người dân ủng hộ. Ngoài ra, sự hợp tác này của ĐHBKĐN còn mang ý nghĩa sâu hơn về việc phổ cập kiến thức năng lượng sạch cho thế hệ trẻ, đồng thời cung cấp nguồn nhân sự chất lượng cao cho khu vực miền Trung. Như vậy, điện mặt trời không chỉ là giải pháp mang tính kinh tế, mà còn giúp ĐHBKĐN nâng cao uy tín toàn diện, không chỉ hưởng ứng theo chủ trương “Xanh” hóa Đà Nẵng của thành phố, mà còn chủ động được nguồn cung nhân sự chất lượng cao ngay tại chính địa phương.

     Dự án trên nằm trong kế hoạch “Phát triển hệ thống giáo dục Xanh” của SolarBK. Trước đó, SolarBK đã triển khai nhiều hệ thống điện mặt trời cho các trường đại học, có thể kể đến như Đại học Bách Khoa TP.HCM, đại học Văn Lang, Phân hiệu Đại học Quốc gia TP.HCM tỉnh Bến Tre và Đại học Cần Thơ. Trong thời gian tới, phía doanh nghiệp sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình năng lượng sạch, phổ biến đến tất cả các trường đại học trong cả nước nhằm thực hiện sứ mệnh xây dựng đội ngũ kế thừa, đưa ngành năng lượng sạch Việt Nam cất cánh trên bản đồ Thế giới.

     Hệ thống điện mặt trời lắp tại ĐHBKĐN hợp tác theo hình thức cho thuê hệ thống từ nhà đầu tư SolarESCO – Công ty thành viên của Tập đoàn SolarBK. ESCO được xem như giải pháp năng lượng cho các doanh nghiệp, bao gồm thiết kế và thực hiện các dự án tiết kiệm, bảo tồn năng lượng, cho thuê cơ sở hạ tầng năng lượng, phát điện, cung cấp năng lượng và quản lý rủi ro. Với hình thức này, SolarESCO sẽ đầu tư hệ thống điện mặt trời trong 12 năm, do SolarBK Miền Trung trực tiếp thi công.

     Theo đó, hệ thống điện mặt trời bao gồm 160 tấm pin năng lượng mặt trời IREX 310 Wp cùng các thiết bị đi kèm, được tính toán để chịu được những rủi ro từ thời tiết, được lắp đặt trên tổng diện tích 331m2. Qua tính toán, hệ thống dự kiến sẽ sản sinh được 75.025kWh/ năm (tương đương với mức đạt 208.4kWh/ ngày), đáp ứng được khoảng 7,1% nhu cầu tiêu thụ điện của nhà trường. Như vậy, nếu lấy 5% là tỷ lệ tăng giá điện trung bình mỗi năm, giải pháp này sẽ giúp phía nhà trường tiết kiệm được 4,8% chi phí điện mỗi năm trong vòng 12 năm đầu, và khoảng 7,1% trong các năm tiếp theo.

     Bên cạnh giá trị kinh tế chứng minh được qua con số, hệ thống còn góp phần giảm thiểu khoảng 49.607 tấn CO2 mỗi năm thải ra môi trường. Đặc biệt, đây còn là mô hình năng lượng mặt trời (NLMT) trực quan về nghiên cứu, đào tạo dành cho sinh viên. Với mô hình này, ĐHBKĐN sẽ trở thành một trong những trường đại học đi đầu về phát triển mô hình giáo dục trải nghiệm, đem đến nguồn nhân lực chất lượng hơn, từ đó tạo đà cho sự phát triển của ngành năng lượng sạch nói riêng và của đất nước nói chung.

     Bà Sylvie Lam, Giám đốc hoạt động công ty SolarBK cũng cho biết: “Khi SolarBK trao đổi và làm việc với các đối tác nước ngoài, họ đều đánh giá cao tính sáng tạo và ham học hỏi của người Việt Nam. Tuy vậy, họ cũng cho biết kiến thức học thuật của các bạn trẻ thì vững nhưng ứng dụng vào thực tế thì còn nhiều hạn chế. Điều này xuất phát từ môi trường giáo dục còn nặng lý thuyết, chưa tạo điều kiện cọ xát và trải nghiệm để các bạn phát triển tư duy toàn diện hơn. Đây cũng chính là trăn trở của SolarBK và cũng là một trong những lý do, chúng tôi phát triển văn hóa doanh nghiệp theo môi trường sư phạm tương tác, kích thích học hỏi trải nghiệm để phát triển. Với thành công từ nội lực, chúng tôi muốn nhân rộng mô hình này đến các giảng đường để qua đó, giải quyết tận gốc bài toán về nhân sự.”

     Trước những chính sách hỗ trợ điện mặt trời từ chính phủ trong năm nay, đồng thời sức ảnh hưởng của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 diễn ra ngày càng mạnh mẽ, thị trường năng lượng sạch được dự đoán sẽ bùng nổ mạnh mẽ trong những năm tới tại Việt Nam. Nếu việc phát triển nguồn lực không theo kịp với tốc độ phát triển thị trường, đây sẽ là một điều đáng tiếc rất lớn không chỉ đối với các doanh nghiệp, đối với ngành nói riêng mà còn đối cả nền giáo dục và kinh tế Việt Nam nói chung. Đây cũng chính là lý do thuyết phục ĐHBKĐN hợp tác với SolarBK, cùng đồng hành phát triển nguồn nhân lực về năng lượng sạch chất lượng cao.

ĐĂNG KÝ NHẬN THƯ